Cơ cấu tổ chức Lục_quân_Đế_quốc_Áo-Hung

Hoàng đế Franz Joseph, tổng tư lệnh Quân đội Đế quốc Áo-Hung giai đoạn 1867-1916

Đế quốc Áo-Hung là một nền quân chủ nhị nguyên kết hợp giữa Đế quốc ÁoVương quốc Hungary theo Thỏa hiệp 1867: Áo và Hungary có chính sách đối nội riêng nhưng thống nhất về chính sách đối ngoại nên lục quân nước này được cấu thành từ ba lực lượng độc lập về quản lý, tài chính nhưng có sự liên kết với nhau trong chiến tranh là Lục quân Liên hợp (Tiếng Đức: Gemeinsame Armee), lực lượng chung của Áo và Hungary tuyển mộ từ khắp đế quốc; Lục quân Áo (Tiếng Đức: k.k. Landwehr) tuyển mộ từ vùng Cisleithania, vùng nói tiếng Đức của đế quốc; và Lục quân Hungary (Tiếng Hungary: Magyar Királyi Honvédség) tuyển mộ từ vùng Transleithania.[28][29] Trên danh nghĩa, Lục quân Liên hợp đảm nhiệm vai trò là lực lượng chiến đấu chính khi đế quốc tham gia vào các cuộc xung đột quân sự trong khi Landwehr và Honvéd ban đầu dự định chỉ sử dụng để phòng thủ tại khu vực nhưng từ thế kỷ XX hai lực lượng này cũng trở thành một phần của lực lượng chiến đấu.[30] Ba lực lượng lục quân này quản lý bởi ba bộ khác nhau: Bộ Chiến tranh Đế quốc (Tiếng Đức: K.u.k. Kriegsminister) quản lý Lục quân Liên hợp còn Landwehr và Honved lần lượt quản lý bởi Bộ Quốc phòng Áo (k.k. Ministerium für Landesverteidigung) và Hungary (K.u. Honvédministerium).[14][17] Toàn bộ các lực lượng vũ trang của Đế quốc Áo-Hung đặt dưới sự chỉ huy của hoàng đế (Kaiser) Franz Joseph[14] từ năm 1867 cho đến ngày 21 tháng 11 năm 1916 khi ông băng hà, sau đó là hoàng đế Karl I[31] cho đến khi đế quốc tan rã vào ngày 3 tháng 11.

Vào năm 1914, sau khi tổng động viên, lục quân Áo-Hung có trong tay tổng cộng sáu tập đoàn quân, từ 1 đến 6, trong đó Tập đoàn quân 1, 3 và 4 (sau đó là Tập đoàn quân số 2) đóng tại Galicia chống lại Nga còn Tập đoàn quân 5 và 6 đóng tại Balkan.[32] Về số quân đoàn, năm 1914 Áo-Hung có tổng cộng 18 quân đoàn (16 quân đoàn được thành lập từ trước Chiến tranh thế giới thứ nhất). Thông thường, một quân đoàn có từ hai đến ba sư đoàn bộ binh, cùng với kỵ binh và các đơn vị kỹ thuật.[14]

Số tập đoàn quân và quân đoàn nói trên bao gồm 50 sư đoàn bộ binh (93 lữ đoàn bộ binh, 9 lữ đoàn sơn cước và 44 lữ đoàn pháo dã chiến), 11 sư đoàn kỵ binh và một số lữ đoàn bộ binh, sơn cước, dân vệ khác.[33] Đến năm 1916, số quân đoàn tăng lên đến con số 27 (có một quân đoàn kỵ binh) bao gồm 69 sư đoàn bộ binh (bao gồm 111 lữ đoàn bộ binh, 4 bán lữ đoàn bộ binh, 23 lữ đoàn sơn cước và 64 lữ đoàn pháo dã chiến), ngoài ra còn có thêm 13 lữ đoàn bộ binh và 8 lữ đoàn sơn cước, 11 sư đoàn kỵ binh, 3 lữ đoàn kỵ binh và 3 lữ đoàn dân vệ.[34]

Vào năm 1915, Conrad von Hötzendorf, tham mưu trưởng quân đội và các sĩ quan tham mưu của ông đã đề xuất kế hoạch cải tổ toàn diện quân đội nước này để phù hợp với điều kiện chiến tranh. Theo đó số lượng quân đoàn và sư đoàn sẽ thay đổi nhưng một sư đoàn bộ binh vẫn bao gồm 16 tiểu đoàn.[13] Sau khi Conrad bị bãi chức vào ngày 1 tháng 3 năm 1917, người kế nhiệm Arthur Arz von Straußenburg tiếp tục kế hoạch cải tổ này.[35] Theo đó, thông thường một trung đoàn có từ bốn hoặc hơn bốn tiểu đoàn khiến cho việc chỉ huy trở nên khó khăn do đó cấu trúc mới đã được trình làng theo đó một trung đoàn chỉ gồm ba tiểu đoàn giúp cho tổng số trung đoàn tăng lên con số 139.[35] Quân số tối thiểu của một sư đoàn là là 6.040 người, bao gồm 4.680 lính bộ binh, 960 lính pháo binh, 300 lính kỹ thuật và 100 lính không quân. Các đơn vị kỵ binh bị chuyển sang bộ binh với số lượng lớn và pháo binh cũng tái cấu trúc lại.[35]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Lục_quân_Đế_quốc_Áo-Hung http://www.oldphoto.info/ http://www.uniforminsignia.net/show.php?podkategor... http://www.austro-hungarian-army.co.uk/ http://books.google.com.vn/books?id=OKMuAgAAQBAJ&p... http://books.google.com.vn/books?id=ZEpLBAAAQBAJ&p... http://books.google.com.vn/books?id=ZM03HQ7iNWEC&p... http://books.google.com.vn/books?id=mkFdAgAAQBAJ&p... https://archive.org/details/armyoffrancisjos00gunt https://commons.wikimedia.org/wiki/Category:Austro...